TỔ CHỨC CHO TRẺ NGỦ TRƯA
Công tác tổ chức cho trẻ ngủ trưa tại lớp nhà trẻ Tìa Mùng.
Giấc ngủ đối với con người là vô cùng quan trọng, nhất là đối với trẻ lứa tuổi Mầm non. Bởi sau mỗi giấc ngủ tinh thần của trẻ sẽ được sảng khoái hơn, chức năng hoạt động của các cơ quan thần kinh được phục hồi.
Giấc ngủ tốt vừa là một trong những điều kiện căn bản giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần của trẻ em. Vậy là giáo mầm non cần phát huy tốt vai trò người mẹ thứ hai của trẻ, chu đáo ở mọi lúc, mọi nơi. Nếu trẻ đến trường chỉ được ăn no, học hành đầy đủ và vui chơi thôi thì chưa đủ, mà trẻ cần phải được các cô giáo hướng dẫn, tổ chức cho trẻ ngủ đủ giờ và đủ giấc. Thời gian dành cho giấc ngủ trưa tuy chỉ chiếm một lượng nhỏ, bằng 1/5 thời gian giấc ngủ đêm, song giấc ngủ trưa vô cùng quan trọng đối với cơ thể trẻ. Giấc ngủ trưa có tác dụng làm giảm bớt sự mệt mỏi do hoạt động, khôi phục lại tinh thần sức lực của trẻ. Vì vậy, vai trò của giấc ngủ trưa rất quan trọng.
Để trẻ có giấc ngủ trưa ngon giấc, sâu giấc, cô giáo cần làm tốt các công việc sau:
Chuẩn bị cho trẻ ngủ.
Nơi ngủ có không khí trong sạch, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Cô giảm ánh sáng bằng cách đóng cửa, tắt bớt đèn, che rèm các cửa.
Cô chuẩn bị đầy đủ đệm, gối,
chăn ấm và thường xuyên được phơi, giặt, đảm bảo luôn sạch sẽ, khô ráo (vào mùa đông, khi thời tiết lạnh). Trước khi trẻ ngủ, cô hướng dẫn trẻ đi vệ sinh, tự đi đến chỗ ngủ. Mùa đông trời lạnh,
cô cởi bớt khăn, áo, mũ. Không để trẻ khóc nhiều, hoặc vận động quá mức trước khi ngủ. Cô luôn chú ý đến đặc điểm riêng của từng trẻ. Những trẻ yếu hoặc có nhu cầu ngủ nhiều cô cho ngủ trước và cho trẻ nằm ở vị trí ít bị ảnh hưởng bởi tiếng động. Trẻ có nhu cầu đi tiểu nhiều, cô xếp nằm ở vị trí tiện đi lại, tránh làm ảnh hưởng đến các trẻ khác. Đối với những trẻ mới đi học, hay quấy khóc, chưa quen với nề nếp ở nhà trẻ cô quan tâm dỗ dành, cho trẻ ngủ riêng.
Ngoài cử chỉ nhẹ nhàng, lời nói dịu dàng dỗ trẻ ngủ, cô hát những bài hát ru, dân ca hoặc mở nhạc nhẹ để ru trẻ ngủ.
Cô luôn trực tại phòng ngủ để quan sát, phát hiện và xử lý kịp thời các tình huống xảy ra trong khi trẻ ngủ. Luôn giữ không gian yên tĩnh cho trẻ ngủ, tránh cười, nói to và những tiếng động mạnh làm trẻ giật mình. - Sau khi trẻ thức dậy, cô nhắc nhở trẻ đi vệ sinh và hướng dẫn trẻ cùng thu dọn chỗ ngủ. Mở cửa để thông thoáng phòng. Nếu có trẻ đái dầm, sau khi trẻ đã dậy hết, cô làm vệ sinh nơi ngủ, chăn đệm.
Giờ ngủ trưa như một bước đệm, một quá trình chuyển tiếp mà các cơ quan nội tạng của trẻ được nghỉ ngơi một cách đầy đủ, tạo điều kiện tốt cho quá trình sinh trưởng và phát triển của cơ thể, giúp trẻ thực hiện tốt các hoạt động trong chế độ sinh hoạt tiếp theo của một ngày. Vì vậy, việc tổ chức giấi ngủ trưa cho trẻ ở trường mầm non là đáp ứng một nhu cầu hết sức tự nhiên và chính đáng của trẻ. Đó cũng là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng của cô giáo mầm non trong quá trình chăm sóc trẻ, đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện cho trẻ.