CON ĐƯỜNG ĐẾN TRƯỜNG ĐÀY GIAN NAN CỦA CÁC CÔ GIÁO VÙNG CAO
Cuộc sống nơi vùng cao không chỉ thiếu thốn, lạc hậu mà còn khó khăn muôn trùng. Để đến được điểm trường dạy học của mình, các cô giáo nơi đây phải tập làm quen với việc vượt qua những cung đường chật hẹp và khúc khuỷu mà chỉ cần sẩy chân là có thể té ngã ngay. Đặc biệt, vào những ngày trời mưa, đường lầy lội, trơn trượt, việc không giữ được thăng bằng, ngã lộn, lấm lem bùn đất là chuyện đã trở nên quá đỗi quen thuộc với các cô.
Con đường từ trường chính đến các điểm dạy học ở các khu bản thì gập ghềnh, khúc khuỷu, khó đi vô cùng, chỉ cần sơ sẩy một chút là có thể ngã ngay. Đặc biệt, cung đường vào những ngày mưa lại càng nguy hiểm và ám ảnh hơn nữa, đến cả người dân trong vùng cũng hạn chế, không dám qua lại. Vậy mà, các cô giáo “chân yếu tay mềm” ngày nào cũng phải băng qua. Có những khu bản xa trường chính quá, các cô đành chấp nhận ở lại cùng bà con xóm bản, mỗi tuần chỉ về trường chính một lần gặp mặt các đồng nghiệp và giao ban. Hầu hết các cô giáo đều là người đồng bằng được phân công lên vùng cao giảng dạy. Ở nhà đã quen với những con đường bằng phẳng, trơn tru; lên đến đây, nhìn thấy cận cảnh con đường toàn đá lởm chởm, khúc khuỷu, ngày mưa thì lầy lội, trơn trượt, nhiều cô không tránh khỏi bàng hoàng, lo sợ. Thế nhưng, khổ riết rồi thành quen, ngày nào không đến gặp bọn trẻ là nhớ không chịu được. Xa quê, mỗi năm chỉ có 2 dịp về thăm gia đình là tết và hè, các cô đã xem nơi “rừng thiêng nước độc” này là ngôi nhà thứ hai, xem đám học trò ngọng nghịu tập nói ê a như con như cái.
Cuộc sống là như vậy, luôn luôn tồn tại những thử thách, khó khăn, nhưng bên cạnh đó cũng có những niềm hạnh phúc bình dị mà sâu sắc. Tuy rằng phải xa người thân, sống cuộc sống thiếu thốn, lạc hậu mà thậm chí nhiều nơi còn chưa có điện, tuy rằng mỗi ngày đều phải vượt qua con đường đầy hiểm trở mà không ít lần phải chịu cảnh lấm lem, nhưng bù lại, các cô có những học trò ngây thơ, đáng yêu nhất. Trong con mắt của chúng, các cô là những thiên thần, là cả thế giới.
Thương cô giáo tận tụy, vất vả, chúng học trò luôn dành phần cho cô những thứ tốt nhất mình có, khi thì bắp ngô mới bẻ trên rẫy, lúc thì củ sắn mới đào trong nương, cứ trong nhà có thứ gì, đám học trò đều mang đến… biếu cô giáo. Trước những tình cảm chân thật, chất phác đó, các cô cũng được an ủi phần nào, nỗi nhớ nhà dường như cũng vơi bớt, mà con đường lầy lội cũng trở nên dễ đi hơn…