TỔ CHỨC BỮA ĂN TRƯA CHO TRẺ NHÀ TRẺ 24-36 THÁNG TRUNG TÂM TRƯỜNG MẦM NON NONG U
- Thứ ba - 18/01/2022 09:47
- In ra
- Đóng cửa sổ này
TỔ CHỨC BỮA ĂN TRƯA CHO TRẺ NHÀ TRẺ 24-36 THÁNG TRUNG TÂM TRƯỜNG MẦM NON NONG U
Hoạt động tổ chức cho trẻ ăn trưa ở trường mầm non là một hoạt động vô cùng quan trọng. Bữa trưa vui vẻ, đầy đủ chất dinh dưỡng được xem là “chiếc chìa khoá vàng” cho sự phát triển toàn diện của trẻ, giúp cho trẻ có đủ năng lượng cho một ngày học tập và vui chơi. Đặc biệt, với các hình thức ăn khác nhau sẽ giúp trẻ ăn ngon miệng, tinh thần thoải mái hơn, giúp trẻ học được trải nghiệm kỹ năng thực hành đơn giản trong cuộc sống.
Đối với trẻ 24 – 36 tháng tuổi, việc tổ chức bữa ăn của trẻ không chỉ đơn giản là thời gian tổ chức hoạt động ăn với các bước thực hiện theo các tiêu chí an toàn, sạch sẽ, tạo bầu không khí giúp trẻ ăn hết suất. Bên cạnh đó trong mỗi hoạt động ăn tại trường mầm non còn là cơ hội để trẻ thể hiện và rèn luyện những kỹ năng sinh hoạt văn minh.
Cô cùng trẻ chuẩn bị ghế và bàn ăn, trên mỗi bàn ăn đượccó khăn ẩm để vào rổ cho trẻ lau tay khi tay bẩn, đĩa đựng cơm rơi (bàn ăn đẹp mắt sẽ thu hút sự chú ý của trẻ để trẻ muốn ngồi vào bàn ăn)
Khi nhận thức ăn, giáo viên đảm bảo tay sạch sẽ, đeo khẩu trang, tạp dề
Cô giới thiệu tên món ăn, giá trị dinh dưỡng (việc làm này cũng giúp trẻ nhận biết được các món ăn khác nhau)
Trước khi ăn nhắc trẻ mời và cầm thìa bằng tay phải.
Trong khi trẻ ăn cô tạo không khí vui vẻ, tùy từng tình hình cụ thể để áp dụng các phương pháp khác nhau như tạo một cuộc thi đua, gửi lời khen tới những bạn ăn hết suất.... để tạo bầu không khí vui vẻ trong bữa ăn, giúp trẻ có hứng thú hơn và đặc biệt là ăn hết suất của mình.
Luôn nhắc trẻ giữ trật tự trong khi ăn, không đùa nghịch, nói chuyện to, không làm rơi vãi, biết nhặt cơm rơi vào đĩa (đây cũng là hành vi văn minh trong ăn uống mà trẻ cần phải rèn luyện hàng ngày)
Đối với trẻ mới ốm dậy, trẻ biếng ăn hoặc ăn chậm chạp... cô cần động viên trẻ nhẹ nhàng để cháu cố gắng ăn hết suất.
Trẻ cất bát thìa gọn gàng đúng nơi quy định, uống nước, lấy khăn lau miệng và đi vệ sinh khi trẻ có nhu cầu. Khuyến khích trẻ lao động lau dọn bàn, cất ghế, cho trẻ chơi nhẹ nhàng 15-20 phút trước khi bước vào giờ ngủ.
Việc chăm sóc tốt bữa ăn cho trẻ là công tác thường xuyên hàng ngày, lặp đi lặp lại để tạo thói quen ăn uống văn minh có lợi cho sức khỏe. Vì vậy mỗi giáo viên cần thực hiện chu đáo hoạt động này để trẻ phát triển toàn diện nhất.
Trong giờ trẻ ăn, cô động viên, niềm nở, ân cần chăm sóc trẻ. Cô giới thiệu hình thức ăn, cách ăn để bữa ăn không những đem lại sức khỏe, mà còn đem lại niềm vui và hứng thú. Quan tâm đặc biệt đối với trẻ ăn yếu, ăn chậm, đảm bảo cho trẻ được ăn đầy đủ các món ăn trong bữa ăn, không bỏ thừa khẩu phần ăn.