Những món ăn ngày tết của đồng bào H’Mông
Thứ đầu tiên phải kể đến là bánh dày, thiếu gì thì thiếu, đây là thứ nhất thiết phải có. Giống người kinh có bánh trưng, bánh dày tượng trưng cho trời đất, người Mông coi bánh dày là biểu tượng của mặt trăng, mặt trời, ngọn nguồn, khởi thủy cho sự tồn tại của vạn vật. Bánh dày thường được chế biến bằng gạo nương thơm, lựa chọn cẩn thận, đem nấu chín rồi đổ ra cối gỗ hình máng và giã ngay khi còn nóng.
Thường những thanh niên khỏe mạnh để giã bánh, bởi công việc đòi hỏi sức khỏe, sự dẻo dai. Khi giã nhuyễn, phụ nữ mới vào cuộc, họ đổ bột bánh ra chiếc mẹt đã tráng lòng trắng trứng gà cho khỏi dính rồi nặn những chiếc bánh trắng muốt. Những chiếc bánh đầu tiên được chuyển cho gia chủ đưa lên bàn thờ cúng tổ tiên, tiếp theo chia cho người già, con trẻ ăn nếm. Cả nhà quây quần bên cối bánh nói cười rôm rả. Mỗi gia đình thường làm từ 50-100 cái để ăn dần, cũng như làm quà tặng những người bạn quý đến chúc tết. Bánh có thể để được lâu ăn dần, khi ăn người ta cắt nhỏ bằng ngón tay rồi rán với mỡ lợn hoặc để lên bếp than hồng. Những miếng bánh cứng bỗng nở tung như hoa, thơm lừng mùi gạo nương, tùy khẩu vị có người ăn cùng thịt lợn, thịt gà, có người lại thích chấm với mật ong rừng
(ẢNH GIÃ BÁNH)
Giã bánh dày
Mâm cỗ tết của người Mông cũng không thể thiếu thịt gà, thịt lợn: thịt gà đã được thịt trong buổi chiều ngày cuối năm để làm vật cũng tổ tiên. Kể ra thì dông dài, nhưng đại ý, với người Mông, không có con gà thì không ai gọi thần mặt trời dậy, trời đất tối tăm mãi. Cho nên, khi cúng, gia chủ cắt tiết gà ngay tại bàn thờ, nhúm chút lông gà nhúng vào tiết dán lên những tờ giấy dán trên bàn thờ. Sau đó mới đem gà đi làm cơm cúng. Riêng lợn được thịt từ vài hôm trước hoặc đến ngày 30 mới thịt, cũng giống như giã bánh dày, cả nhà tíu tít mỗi người mỗi việc, ai cũng vui mừng phấn khởi.
Mâm cỗ của người H’Mông từ ngày 1-3 chỉ toàn có thịt, đến sau ngày mùng 3, rau và canh mới xuất hiện trong bữa cơm. Bởi bà con quan niệm, ăn rau trong những ngày ấy thì cả năm sẽ khó làm ăn, trồng cây hay bị mất mùa. Món rau thường xuất hiện trong những ngày sau đó thường là rau cải mèo, loại rau vụ đông thường vãi quanh nhà, tự nảy mầm, tự mọc.
Bên mâm cơm của người H’Mông cũng có thêm chai rượu ngô men lá được nấu từ những hạt ngô trồng trên núi cao. Có điều độc đáo, là bà con uống rượu, bia rất vui, nhưng không thấy ép người uống bao giờ, chén rượu rót ra, mời nhiệt tình nhưng tùy tửu lượng. Bà con vui và tự nhiên như thế!
(ẢNH ĂN CƠM)
Mâm cơm cùng rượu bia
Việc cúng giao thừa vào đêm 30-11 Âm lịch và bữa cơm tất niên rất được coi trọng, sự hiếu khách và mời rượu có lẽ là sự cầu kỳ nhất trong phong tục đón tết của người Mông.
Theo quan niệm của người Mông, nhà nào có nhiều khách đến trong dịp năm mới thì năm đó sẽ làm ăn tốt hơn, vì vậy khách đến nhà không thể từ chối “món rượu”, khách tham dự bữa cơm ngày tết của người Mông chắc hẳn phải chuẩn bị cho mình sức khỏe nhất định để đáp lại những lời mời uống rượu ngọt ngào mà khó có thể từ chối.
Người Mông có thể vui tết hết tháng 12 Âm lịch với nhiều hoạt động đặc trưng như ném pao, đánh cầu lông gà, ném còn, múa hát... Mọi hoạt động nương rẫy đều nghỉ, các dụng cụ lao động được niêm phong trong những ngày tết bởi theo quan niệm của người Mông, những dụng cụ này cùng người lao động quanh năm vì vậy những ngày tết cũng phải "nghỉ”.
(ẢNH NÉM PAO)
Việc vui chơi ca hát, những lời chúc mừng năm mới hòa cùng những chén rượu ngô ngọt ngào đến say lử là bản sắc rất “vùng cao” của người Mông.