Hoạt động với đồ vật lứa tưởi 24-36 tháng
Hoạt động với đồ vật là hoạt động chủ đạo của trẻ 24 – 36 tháng tuổi. Chính những hoạt động này tạo nên những biến đổi về chất trong tâm lý trẻ. Và làm cho các họat động khác mang màu sắc của nó. Đối với trẻ mầm non, hoạt động với đồ vật được chơi với đồ dùng đồ chơi là nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống của trẻ. Thông qua hoạt động với đồ vật, đồ chơi trẻ có thể tìm tòi, khám phá, trẻ được thao tác với các đồ vật, qua đó giúp trẻ phát triển một cách toàn diện.
Khi trẻ được tìm hiểu, khám phá các đồ vật, đồ dùng đồ chơi giúp trẻ hiểu biết về tên gọi, đặc điểm, công dụng , về thế giới xung quanh, giúp trẻ biết được cách sử dụng của các đồ chơi qua đó giúp trẻ phát triển về nhận thức. Khi được thao tác với hoạt động với đồ vật nắm, sờ, giúp trẻ được phát triển thể chất về các vận động tĩnh.
Bên cạnh đó, khi được tiếp xúc hoạt động với đồ vật trẻ cảm nhận được cái đẹp, tạo cho trẻ yêu thích và mong muốn tạo ra cái đẹp qua đó giúp trẻ phát triển thẩm mỹ một cách tốt nhất. Không những thế, khi được chơi với các đồ vật vốn từ của trẻ được phát triển một cách nhanh nhất giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, rèn luyện cho trẻ tự tin, mạnh dạn khi chơi với bạn, với cô qua đó trẻ được phát triển ngôn ngữ và tình cảm - quan hệ xã hội. Với tất cả các nhóm trẻ 24-36 tháng ở trường mầm non Nong U, HĐVĐV luôn có sự hướng dẫn, tổ chức của giáo viên. Nội dung HĐVĐV được xây dựng dựa trên đặc điểm tâm lý của trẻ. Các nội dung đã được sắp xếp theo nguyên tắc đồng tâm và phát triển từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp. Khi thực hiện nội dung xếp ngôi nhà, trẻ tiếp xúc với các đồ vật có các dạng hình học cơ bản như: Khối Vuông, Khối tam giác,và các biểu tượng màu sắc khác nhau như xanh, đỏ, vàng…. Với nội dung này trẻ phải thực hiện nhiệm vụ nhận biết, gọi tên, phân biệt màu sắc, hình dạng. Khi đó trẻ sẽ được hình thành các biểu tượng về hình dạng và màu sắc qua dấu hiệu của đồ vật.
Song khi thực hiện nội dung phải thực hiện mang tính tích hợp. Bởi vì ở các độ tuổi trước đó trẻ đã được nhận biết và gọi tên từng đặc điểm riêng lẻ của các loại đồ dùng đồ chơi. Vì vậy ở độ tuổi này trẻ phải nhận biết cùng lúc nhiều đặc điểm và các thuộc tính khác nhau. Hoặc khi cho trẻ xếp ngôi nhà phải cho trẻ được gọi tên loại đồ chơi đó. Như vậy là chỉ thực hiện một nội dung chơi xếp ngôi nhà nhưng chúng ta đã tích hợp được rất nhiều ý nghĩa giáo dục trẻ: Nhận thức về màu sắc, hình dạng…, tập nói để phát triển ngôn ngữ, các thao tác khéo léo của cơ ngón tay, tính kiên trì hoàn thành nhiệm vụ, trí tuởng tượng khi trẻ đặt tên cho sản phẩm, phát triển khả năng tư duy trìu tượng vì trẻ phải nhớ lại biểu tượng về đoàn tầu khi chợt nhìn thấy ở đâu đó…. Nếu chúng ta kiên quyết hướng trẻ chơi xong phải cất xếp đồ chơi vào đúng nơi quy định, quá trình sử dụng đồ chơi không quăng ném, cắn, bẻ…, thì thật là tuyệt vời, bởi chúng ta thực hiện xong một chu trình khép kín trong quá trình giáo dục trẻ mang tính tích hợp.
Trẻ ở tuổi này có thể học bằng tất cả các giác quan khi được HĐVĐV. Do vậy chúng ta hãy tận dụng hết khả năng để trẻ có thể được sờ mó, nghe, nhìn,để cùng lúc có thể phát triển hết khả năng trẻ. Hy vọng rằng với bài viết này chúng tôi sẽ góp phần làm cho các bậc cha mẹ hiểu rõ hơn đứa trẻ của mình có thể học như thế nào, để người lớn chúng ta thực hiện tốt hơn công tác giáo dục trẻ, góp phần phát huy cao hơn khả năng tích cực họat động của trẻ.